Sau thất bại tại CKTG 2024, Levi thẳng thắn chia sẻ về GAM và tương lai của VCS
Levi có những chia sẻ về hành trình của GAM và “sự thật đắng lòng” về VCS.
Levi chia sẻ về hành trình của GAM tại CKG 2024
Ở thời điểm hiện tại, theo cập nhật từ phía GAM Esports cũng như các fan của đội tuyển này, thì Levi và các đồng đội đã hạ cánh Việt Nam sau quãng thời gian thi đấu tại CKTG 2024. Tại giải đấu năm nay, nếu gọi là GAM thành công về mặt thành tích thì không thực sự chính xác, khi họ cũng dừng bước với tổng tỉ số 1-3 và loại 1 đại diện phương Tây trước khi rời giải, không khác lắm so với năm ngoái. Tuy nhiên, nếu xét trên việc VCS đã trải qua một năm đầy biến động, thì thành tích của GAM là rất đáng khen vì sự nỗ lực của các tuyển thủ.
Trong buổi stream mới đây, Levi cũng chia sẻ về thất bại của GAM khiến khán giả xúc động. Bởi lẽ, đội trưởng của GAM nhận hết lỗi lầm về mình trong trận thua TL: “Nếu các bạn có muốn trách gì việc không cấm Neeko thì trách Levi. Vì Levi không biết chơi Skarner và khiến đội mất 1 lượt cấm. Bên mình nghĩ Skarner sẽ rất khó chịu nhưng mình không chơi được. Ziggs và Kai’Sa là phải cấm. Nếu mình chơi được Skarner thì đã không mất một lượt ban”.
Levi cũng nhận định thắng thắn về tương lai VCS tại các kỳ CKTG
Là tuyển thủ đã gắn bó với VCS ngay từ những ngày đầu, Levi cũng hiểu rõ những mạnh yếu, hạn chế và ưu điểm của khu vực. Đội trưởng huyền thoại của GAM cũng thừa nhận một “sự thật cay đắng” về LMHT Việt: “Bước ra CKTG thì mục tiêu tất nhiên phải là top 8, nhưng thực sự mà nói thì mục tiêu đó khó lắm. Vì muốn vào top 8, thì bắt buộc phải thắng các đội từ LPL, LCK”.
Thực tế, đây là điều mà có lẽ khán giả VCS nào cũng hiểu rõ, nhưng dĩ nhiên, khi đội tuyển đại diện khu vực nhà đi thi đấu thì phải có niềm tin. Bản thân GAM cũng cho thấy sự tiến bộ qua từng năm và ở năm 2025, các đại diện VCS sẽ được chinh chiến với các đối thủ quốc tế ngay từ giải APAC – một cơ hội không thể tốt hơn để trui rèn kỹ năng, kinh nghiệm và cả bản lĩnh thi đấu quốc tế.
GAM hay bất kỳ đại diện VCS nào cũng sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa trong năm tới. Không chỉ để duy trì một suất thi đấu tại giải APAC, mà còn để VCS thực sự có thể bứt phá, vượt lên hơn so với mức độ “chỉ gây được ấn tượng” như ở thời điểm hiện tại khi góp mặt tại các giải đấu quốc tế như MSI hay CKTG.